Trong mỗi công trình thi công cơ điện, hạng mục quan trọng đầu tiên của hệ thống điện nặng cần phải thi công đó là ống chờ cơ điện, thang máng cáp bảo vệ và lắp đặt dây/cáp điện. Ngày nay, hệ thống này là phần công việc bắt buộc phải thực hiện đối với các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia thi công công trình.
Trong vai trò là nhà thầu cơ điện, Galaxy M&E hiểu rõ mức độ quan trọng của việc xây dựng hệ thống thang máng cáp cho mỗi công trình. Đây là một trong các yếu tố đảm bảo cho sự vận hành trơn tru, an toàn và ổn định của hệ thống cơ điện. Tuy nhiên, lựa chọn loại thang máng cáp nào phù hợp không phải là việc dễ dàng với nhiều chủ đầu tư. Chi phí đầu tư hệ thống thang máng cáp có nhiều mức, nhiều chất lượng và độ an toàn khác nhau, phụ thuộc vào vật liệu, số lượng, chủng loại của vật tư sử dụng.
Để hỗ trợ khách hàng lựa chọn hệ thống thang máng cáp phù hợp, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin căn bản về hệ thống thang máng cáp trong các công trình cơ điện.
Trunking thường sử dụng cho các công trình văn phòng, khách sạn.
Thang - Máng cáp (hay còn gọi là trunking, cable tray, ladder) là máng dẫn dùng cho việc lắp đặt, bảo vệ dây và cáp điện trong các nhà máy, chung cư, tòa nhà, siêu thị, các công trình y tế…
Cable tray với ưu điểm tản nhiệt tốt, giá thành rẻ hơn so với trungking, phù hợp với công trình có nhiều thiết bị công suất lớn.
Máng cáp có 2 loại có lỗ và không lỗ thoáng. Loại không lỗ (trunking) thường sử dụng cho các tòa nhà, khách sạn. Loại có lỗ thoáng thường được sử dụng tại các nhà xưởng công nghiệp. Máng cáp có lỗ (cable tray) để đi dây cáp dùng cho các thiết bị tiêu thụ công suất lớn, có nhiều nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình sử dụng. Cable tray đột lỗ có nắp phía trên nhưng ít được sử dụng để ghép thành hộp kín nên dể dàng sửa chữa hoặc thêm bớt dây dẫn. Cũng vì cấu tạo đột lỗ mà nó nhẹ và rẻ hơn trunking.
Máng cáp đột lỗ thường sử dụng để đi dây cáp điện từ 50 mm2 trở lên với vỏ là PVC. Với máng cáp đột lỗ, cáp điện thường bố trí một lớp nhằm tăng khả năng tản nhiệt cho dây dẫn.
Cable ladder thường sử dụng cho các công trình công nghiệp.
Thang cáp (hay còn gọi là thang điện hoặc cable ladder) có chức năng giống như loại trên là thang dẫn dùng cho việc lắp đặt dây và cáp điện trong các nhà máy, chung cư, cao ốc… Vật liệu làm thang cáp thường là tôn, thép hoặc inox.
Cable ladder có khả năng chịu nặng tốt, vì vậy cũng được dùng để đỡ hệ thống đường ống trong các nhà máy công nghiệp.
Cable ladder có các loại như sau: Cable ladder (thang cáp thẳng); horizontal cable ladder (co ngang); tee cable ladder (ngã ba thang cáp); inside vertical riser cable ladder (co đứng trong thang cáp); outside vertical riser cable ladder (co đứng ngoài thang cáp); reducer cable ladder (giảm thang cáp)… Việc phân chia nhiều loại thang cáp giúp cho quá trình thi công diễn ra thuận tiện, rút ngắn thời gian thi công, đồng thời tiết kiệm không gian cho công trình.
Căn cứ theo vật liệu chế tạo và lớp sơn bên ngoài của máng cáp ta có những lựa chọn sau đây:
- Loại máng cáp mạ kẽm nhúng nóng sử dụng được trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, vì vậy trong thực tế chúng thường được sử dụng tại các công trình công nghiệp nặng hoặc nơi có môi trường khắc nghiệt.
- Loại máng cáp không mạ kẽm thường được sử dụng để đi cáp điện trong các tòa nhà, nhà kho, xưởng dệt…
- Loại máng cáp được làm bằng thép và vỏ ngoài bằng lớp nhựa màu đen là loại máng cáp có giá thành cao, được sử dụng trong nghành công nghiệp thực phẩm và các nghành công nghiệp hóa chất dầu.
- Mỗi loại thang - máng cáp khác nhau sẽ có kích thước (chiều cao, chiều rộng) khác nhau. Kích thước của thang máng cáp ảnh hưởng đến khả năng chịu tải hệ thống dây dẫn. Do vậy lựa chọn loại thang máng cáp nào còn phụ thuộc vào khối lượng và tiết diện cáp điện, địa hình lắp đặt, môi trường lắp đặt.
Để có được hệ thống thang- máng cáp (cable tray, trungking, ladder) phù hợp, ổn định, bền vững cần thiết phải được khảo sát, thiết kế ngay từ khâu lập dự án.
Để tối ưu được số lượng, chủng loại thang - máng cáp, đơn vị thi công cơ điện cần tính toán cụ thể số lượng dây điện cần có, từ đó tính ra kích thước của thang máng cáp phù hợp với công trình. Các thông số sau đây sẽ hỗ trợ đơn vị thiết kế, thi công cơ điện đưa ra phương án sử dụng thang máng cáp thích hợp:
- Số lượng sợi cáp;
- Kích thước ngoài của cáp dẫn;
- Bán kính uốn cong cho phép của cáp;
- Tổng trọng lượng cáp;
- Không gian cho việc lắp đặt.
- Tính tổng đường kính các sợi cáp TOD = OD1 x mn + … + ODn x m;
- Tính tổng chiều ngang cáp lắp đặt bao gồm khoảng cách giữa các sợi cáp TW = [TOD + d x (m1 +…+ mn)];
- Tính tổng diện tích mặt cắt ngang lắp đặt cáp bao gồm dự phòng TS = (TW x ODmax) x (1 + s/100);
- Diện tích mặt cắt ngang thang máng cáp cần thiết để lắp đặt cáp SC = TS x (1 + F/100);
- Chọn thang máng cáp có chiều cao khả dụng H > ODmax, từ đó tính ra chiều ngang khả dụng W > SC/H;
- Tính bán kính co, tê, thập R = 10 x Odmax.
Trong đó:
- Các kích thước tính theo đơn vị mm;
- OD: Đường kính cáp (bao gồm lớp cách điện, chống nhiễu);
- OD1…ODn: Đường kính cáp chủng loại 1…n;
- ODmax: Đường kính loại cáp lớn nhất;
- m1…mn: Số lượng cáp chủng loại 1…n;
- d: khoảng cách giữa các sợi cáp;
- S: % khoảng trống dự phòng (để lắp đặt thêm cáp sau này);
- TOD: Tổng đường kính các sợi cáp;
- TW: Tổng chiều ngang cáp lắp đặt bao gồm khoảng cách giữa các sợi cáp;
- TS: Tổng diện tích mặt cắt ngang lắp đặt cáp bao gồm dự phòng;
- F: % diện tích lắp đặt 40% ÷ 60%;
- SC: Diện tích mặt cắt ngang thang máng cáp cần thiết để lắp đặt cáp;
- R: Bán kính của co, tê, thập.
Để có được hệ thống thang- máng cáp phù hợp, ổn định, bền vững cần thiết phải được khảo sát, thiết kế ngay từ khâu lập dự án. Với các công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ điện, việc cân nhắc và lựa chọn hệ thống thang - máng cáp sẽ có phần khó khăn hơn do việc thi công phụ thuộc rất nhiều vào địa hình cũng như tình trạng hệ thống cơ điện nói chung của công trình.
Tuy vậy, xét ở góc độ nào đi nữa, dù là công trình thi công mới hay cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mỗi khách hàng nên xem xét và cân nhắc lựa chọn nhà thầu thi công phù hợp, có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn.
Lựa chọn đơn vị sản xuất, cung cấp, thi công thang - máng cáp có ưu điểm là chi phí thấp hơn so với các nhà thầu cơ điện. Nguyên nhân do vật tư cung cấp được chính đơn vị thi công sản xuất. Bên cạnh ưu điểm về chi phí thì nhược điểm là rủi ro về sự thiếu đồng bộ trong tổng thể hệ thống cơ điện công trình. Sự thiếu đồng bộ sẽ không làm phát sinh chi phí ngay lập tức cho chủ đầu tư nhưng sẽ khiến chủ đầu tư tiêu hao chi phí sau một thời gian vận hành.
Với kinh nghiệm tổng thầu cơ điện nhiều dự án lớn, phức tạp cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Nhật Bản, Công ty Cổ phần Cơ - Điện Galaxy tự tin sẽ là người bạn chân thành - minh bạch - tâm huyết song hành cùng Quý khách hàng xây dựng, thi công, vận hành, bảo trì hệ thống cơ điện bền vững - an toàn - chi phí tối ưu.
BBT Galaxy M&E